Trong ấn bản hàng tuần của báo Người Kinh Tế (The Economist) ngày thứ bảy 19-4-2014, có đăng một bài báo nêu lên các lợi ích mà các Phân khoa ngành Quản trị nên học, đó là học chiến lược quản trị của tân giáo hoàng vì ngài đã làm đổi mới thương hiệu «công giáo la mã» và tái cấu trúc lại tư thế đa quốc gia cổ xưa này.
Jorge Bergoglio đứng đầu Giáo hội Công giáo thì cũng như Steve Jobs cai quản Apple, Sergio Marchionne điều khiển Fiat, Mart Zuckerberg lèo lái Facebook vân vân và vân vân… Đó là điều mà tờ báo Người Kinh Tế trong một bài đăng ngày 19-4 đã nhìn «hiệu ứng Phanxicô» dưới góc cạnh thuần túy quản trị.
Tuần báo trường phái tự do của Anh đề nghị, để có lợi về mặt mô phạm thì Phân khoa Kinh Doanh trường Harvard nên đưa trường hợp Jorge Bergoglio vào các nghiên cứu chuyên ngành của mình, vì ngài là «người, trong một năm, đã đổi mới được thương hiệu RC Global (Catholique romain global, Công giáo La Mã Toàn cầu) của mình».
1.Chiến lược
Không phải là không khôi hài, tờ báo dứt khoát xem Giáo hội Công giáo là một «công ty đa quốc gia xưa cổ nhất thế giới», với giáo hoàng là ông chủ PDG đứng đầu. Tờ báo nhắc lại, khi mới nhận chức, ông chủ thấy mình cai quản một công ty đang gặp khủng hoảng, bốn bề tai tiếng, «sản phẩm không đạo đức kiểu tham nhũng, kiểu ấu dâm, kiểu rò rỉ» thì bán chạy như tôm tươi, không còn thu được nhân viên vào làm việc, lại mất phần lớn thị trường vào tay những nước đang phát triển, lợi nhuận đi về các hãng ‘pentecôtistes’.
Báo Người Kinh Tế, mà các bài báo không bao giờ có tên người ký, đã cho thấy giáo hoàng đã lật ngược thế cờ theo một nguyên tắc quản trị căn bản: «Phanxicô tái nhắm mục tiêu tổ chức của mình chỉ vào một chuyện duy nhất: chuyện giúp người nghèo». Tuần báo nhắc lại, đổi mới đầu tiên và quan trọng nhất mà ai cũng biết: đổi mới cách sống. Ngài cho rằng «chiến lược ưu tiên cho người nghèo» mang đến cho Giáo hội một tiềm năng tăng trưởng lớn lao nơi các thị trường mới trồi lên.
Chiến lược này giáo hoàng áp dụng ngay vào dịp Tuần Thánh
Thánh lễ sáng Thứ Năm Tuần Thánh, ngài nhắc lại, phải luôn luôn ứng trực sẵn sàng: «phải làm cho Giáo hội thành một Căn nhà có các cánh cửa mở rộng, nơi ẩn náu cho người phạm tội, căn hộ ấm cúng cho những ai sống ngoài đường, trung tâm điều dưỡng cho những ai bệnh tât».
«Tôi nghĩ chúng ta không nói quá khi chúng ta nói các linh mục là những người rất nhỏ bé so với ân huệ lớn lao mà họ có trong tay mình, ân huệ được phục vụ những con người nhỏ bé nhất (…) Và từ sự nhỏ bé này, chúng ta có được niềm vui cao đẹp.»
Nguyên tắc này được áp dụng ngay vào chiều Thứ Năm Tuần Thánh. Ngài đến Trung tâm Don Carlo Gnocchi, một trung tâm săn sóc người khuyết tật nhẹ có, nặng có, người tạm trú vài ngày người ở suốt đời. Ngài đã rửa chân cho 12 người bệnh và khuyết tật từ 16 đến 86 tuổi. Trong bài giảng, ngài nhấn mạnh: «Gia tài Chúa Giêsu để lại: chúng ta là những người phục vụ cho nhau. Bây giờ tôi rửa chân cho những người nhỏ bé nhất, nhưng trong tâm hồn anh chị em, anh chị em nghĩ đến người khác: làm sao chúng ta có thể phục vụ tốt hơn, và đó là những gì Chúa Giêsu muốn chúng ta làm».
Không xa xỉ mời ca đoàn Nhà nguyện Sixtine đến hát lễ. Đã có ca đoàn nhà gồm các thiện nguyên và những người sống ở Trung tâm này. Một chọn lựa khiêm tốn mà Đức Phanxicô đã «ngắm đúng» vì những căn nhà này là những nơi nghèo, nghèo vừa cả vật chất lẫn tinh thần của xã hội mang tiếng là phát triển của chúng ta. Chắc chắn các «villa misera» (khu phố nghèo ở Argentina) này của chúng ta là một trong những nơi «ngoại biên» mà giáo hoàng nhắc nhở chúng ta phải thường xuyên đến thăm.
2.Tái định vị thương hiệu
Một nguyên tắc quản trị khác mà tân giáo hoàng áp dụng, đó là tái định vị thương hiệu công giáo. Khi thương hiệu đã bị trệch hướng thì ngay lập tức phải bẻ ghi lại, đem nó về lại mục tiêu ban đầu. Bài báo nhấn mạnh đến phong cách và cách tiếp cận, qua đó tân giáo hoàng đề cập đến các chủ đề tế nhị của xã hội mà không thay đổi gì về thực chất.
3.Tái cấu trúc
Đức giáo hoàng muốn cải cách tận gốc giáo triều, tìm cách để giải thoát tình trạng tê liệt của các ban ngành. Ngài lập một bộ kinh tế, làm việc với các văn phòng cố vấn cở lớn như McKinsey và KPMG (công ty cung cấp dịch vụ nghề nghiệp) ở bên ngoài nhưng nhất là thành lập C8 (một hội đồng gồm 8 hồng y mà giáo hoàng triệu tập họp mỗi tuần)
Để hoàn tựu, cần phải thêm hai yếu tố thành công khác mà báo Người Kinh Tế nêu ra:
– Làm gương: Giáo hoàng muốn Giáo hội gần người nghèo, ngài làm gương trước và gương thì quá lớn: không đi xe Mercedes, không ở Dinh thự, không trang hoàng xa xỉ, làm việc không nhận lương, ăn cơm mỗi ngày không quá 14$..vv..
– Có tài làm cho người khác biết mình: Dùng tất cả mọi phương tiện truyền thông, kể cả phương tiện ngắn gọn nhất là @pontifex#Twitter để giáo dân biết công việc của mình. Tập hợp nhân viên, tín hữu lại nói cho họ biết chính nghĩa của mình. Kỹ thuật này rất hiệu quả, 90% giáo dân bằng lòng!
Bài báo còn minh họa lợi ích «hiệu ứng Phanxicô» gây ra nơi những tờ báo có những khuynh hướng rất khác nhau như (Time, Rolling Stones, Fortune…). Bắt chước báo Người Kinh Tế, báo giới kinh tế khác cũng quan tâm đến tân giáo hoàng. Tờ The Wall Street Journal trong số tới sẽ tường thuật chuyến đi Đất Thánh sắp tới của tân giáo hoàng, cũng như tờ báo hàng ngày kinh tế Mỹ cũng đã tường thuật chuyến đi Ba Tây của ngài mùa hè năm ngoái.
«Một ông chủ của CAC 40 (thị trường chứng khoán)». «Khi tôi làm việc với giáo hoàng này, tôi có cảm tưởng như đang làm việc với ông chủ của CAC 40», một chuyên gia tài chánh Pháp hợp tác trong tổ chức của ông với cơ cấu kinh tế của Tòa Thánh cho biết. Như vậy, trong nội bộ, tân giáo hoàng được xem như một ông chủ quản trị Vatican rất sát sao. Chỉ còn chờ xem «hiệu ứng Phanxicô» có tác dụng không, tờ báo Người Kinh Tế tự hỏi.
Tuy nhiên sự biến đổi này không phải là không có vấn đề. Một chỉ dẫn cho biết, con số người cho rằng mình thuộc Giáo hội Công giáo ở Châu Mỹ La Tinh đã xuống một cách đáng kể (67 % năm 2013) theo một thống kê của Viện Latinobarometro Chí Lợi công bố ngày 16-4-2014. Lại thêm còn có vấn đề nội bộ, ngài thường nhắc các linh mục, các nữ tu của ngài phải vui vẻ, phải đi ra khỏi vỏ ốc của mình, phải mạnh dạn đi xa xa… Nói cách khác, ngài nhắc họ phải quay về mảnh đất của mình, phải vui vẻ chào giáo dân, biết lắng nghe «thị trường» của mình, biết vận dụng sáng tạo để truyền bá đức tin.
Nói tóm lại, mặt chiến lược bên ngoài đã thành công, ngài đã được lòng giáo dân, họ đã thương, khi thương thì trái ấu cũng tròn. Một câu nói của ngài, tựu trung cũng giống như các vị tiền nhiệm đã nói, nhưng ngài nói thì không bị la ó mà các vị trước đây nói lên là bị la ó liền. Chỉ còn nội bộ là phải giải quyết. Gần như ngài không bỏ một dịp nào mà không nhắn nhủ các linh mục, giám mục, hồng y của ngài, lúc thì một đoạn Phúc Âm trong bài phụng vụ mỗi ngày, lúc thì nhân một biến cố nào đó xảy ra trên thế giới, lúc thì trong một dịp lễ lạc, ngài la rất mạnh lời, người viết còn không dám viết lại. Trong tâm ngài khi nào cũng canh cánh lo cho hạnh kiểm, tâm trạng vui buồn của các vị.
Vậy thì báo chí bên ngoài có bình luận, xã luận khen ngợi gì chăng nữa cũng chỉ là đụng cái lớp vỏ bên ngoài. Họ nói là để nói cho vui, câu thêm view, bán thêm báo nhưng đến khi nội bộ mình không ổn thì sẽ biết tay với họ ngay. Họ đang chờ kết quả của «hiệu ứng Phanxicô» mà kết quả này thì lại ở trong tay… chúng ta!
Nếu tôi là tu sĩ, tôi sẽ viết thư xin giáo hoàng, «Cha ơi, chúng con biết rồi, cha đừng nói nữa, chúng con mắc cở lắm, chúng con xin chừa. Xin cha đừng nhắc nữa, giáo dân biết lại thêm cười con…»; nhưng vì tôi không phải là tu sĩ, tôi chỉ biết cầu nguyện cho các tu sĩ và cho cả tôi vì theo tôi, mọi bất hạnh trong đời sống tu trì cũng như đời sống gia đình, phần lớn đều do chúng ta đã đánh mất đi tình yêu thuở ban đầu.
«Ngươi đã có lòng kiên nhẫn và đã chịu khổ vì danh Ta mà không mệt mỏi. Nhưng Ta trách ngươi điều này: ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu. (Kh 2 : 4-5)»
Nguyễn Tùng Lâm, tổng hợp tin tức trên các báo
Nguồn: phanxico
Đăng nhận xét
Đừng để mất tình yêu thuở ban đầu
Đăng nhận xét